CEO 8x từng bỏ vị trí quản lý để làm nhân viên bán hàng

Đang giữ chức trưởng phòng quản lý của 3 bộ phận trong một công ty lớn, anh Học quyết định nghỉ việc để khởi nghiệp.

 

CEO 8x từng bỏ vị trí quản lý để làm nhân viên bán hàng

Đang làm Trưởng ban quản lý hệ thống với mức lương cao, anh Học xin được giáng chức xuống làm nhân viên sale vì rất mê kinh doanh.

Anh Phạm Hữu Học thi vào ngành Quản trị kinh doanh của Đại học Kinh tế TP HCM để thực hiện giấc mơ làm ông chủ của mình.

Từ năm nhất, chàng sinh viên Nam Định làm thêm ở nhiều nơi. Năm 2006 – khi là sinh viên năm 3, Học rủ vài người bạn lập công ty môi giới bất động sản.

Dù cả vốn và kinh nghiệm đều ít nhưng với sự nhiệt tình của tuổi trẻ, chỉ sau ít tháng mở văn phòng, anh đã có lợi nhuận. Hai năm đầu tiên, trong khi các bạn vẫn học thì anh đã có một văn phòng riêng với thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng.

Từ năm 2008, 2009 công ty gặp khó khăn vì không đủ sức cạnh tranh. Dù hoạt động cầm chừng và rất khó khăn nhưng không muốn dự án đầu tiên của mình sụp đổ nên Học dùng toàn bộ số tiền kiếm được trước đó để cầm cự. Cuối năm đó, thấy không thể cứu vãn, anh nộp đơn xin phá sản.

Dự án đầu tiên được xây dựng với tất cả tâm huyết và tuổi trẻ bị sụp đổ, Học rơi vào khủng hoảng, buồn chán và tiếc nuối. Cầm tấm bằng đại học trên tay, anh trở về quê hương và dành thời gian ở nhà suy nghĩ.

Đang giữ chức Trưởng phòng quản lý của 3 bộ phận trong một công ty lớn, anh Học quyết định nghỉ việc để khởi nghiệp.

Sau một thời gian suy sụp, nhận thấy không thể khởi nghiệp nếu không có vốn và kinh nghiệm, anh quay lại TP HCM để đi làm thuê. Chàng trai trẻ sau đó nhận làm Quản trị hệ thống cho nhiều công ty trước khi về làm Trưởng ban ISO (Quản trị hệ thống) cho một công ty vận tải, sửa chữa container lớn ở TP HCM.

Công việc ổn định và hưởng mức lương cao nhưng với máu kinh doanh có sẵn, anh đệ đơn lên Tổng giám đốc xin được “giáng chức” xuống làm nhân viên kinh doanh. “Dù phải bắt đầu lại từ đầu, nhưng được làm việc theo đúng sở thích nên tôi có cảm giác như ‘cá ra biển lớn”’, anh Học chia sẻ.

Vất vả, nhưng chàng trai trẻ luôn nhiệt tình trong công việc và làm hết sức mình nên được thăng chức nhanh chóng. 6 tháng sau, anh Học lên vị trị Trưởng nhóm, sau đó là Phó phòng rồi Trưởng phòng. 

Năm 2016, trong lúc bạn bè đã ổn định công việc và yên bề gia thất thì chàng trai sinh năm 1984 quyết định đột ngột khiến cả gia đình và bạn bè bất ngờ. Anh nghỉ việc để khởi nghiệp – khi đó anh Học đã là Trưởng bộ phận của 3 phòng ban ở công ty cũ và hưởng mức lương nhiều người mơ ước.

Bán mảnh đất mua được từ dự án khởi nghiệp đầu tiên, cùng khoản tiền tích cóp trong thời gian đi làm, tổng cộng khoảng 2 tỷ đồng, anh Học mở công ty chuyên về vận chuyển và kinh doanh container với tên gọi Công ty TNHH cơ khí TMDV vận tải Sài Gòn. Chàng trai trẻ sau đó huy động được hơn một tỷ đồng từ một ngân hàng nhờ mối quan hệ làm ăn trước đó.

Với số vốn ít ỏi, anh Học đầu tư 1,5 tỷ để mua xe container vận chuyển hàng lạnh chạy Bắc Nam, số còn lại mua gần chục thùng container cũ về sơn sửa rồi bán lại.

Có hàng, có xe rồi nhưng để công ty vận hành không đơn giản. “Với nhiều lĩnh vực, số vốn này có thể đã lớn nhưng ở lĩnh vực mình làm thì như nắm muối bỏ biển vậy”, anh Học chia sẻ và cho biết, ngay từ đầu dù đã lường trước khó khăn nhưng anh vẫn không khỏi choáng ngợp trước những thử thách khi ở vị trí mới.

Chưa có nguồn thu nhưng trước mắt anh Học vẫn phải chi một khoản rất lớn khi thuê 2 tài xế với mức lương 20 triệu mỗi tháng một người, gần 10 nhân sự làm công và tiền thuê kho bãi. Trong khi đó, về phía khách hàng, dù đã có mối quen biết trước đó, nhưng không phải ai cũng sẵn lòng bỏ ra hàng trăm triệu để dùng thử dịch vụ của một công ty mới.

Anh Phạm Hữu Học bên sản phẩm container văn phòng chuẩn bị ra mắt tháng 11.

Bằng uy tín cá nhân và kiên trì thuyết phục, anh có những khách hàng đầu tiên chấp nhận giao hàng cho công ty vận chuyển. Để đảm bảo uy tín, khi giao hàng – giao xe cho tài xế, anh yêu cầu phải luôn đảm bảo tốc độ vì sự an toàn cho cả người và xe. “Chạy container nguy hiểm lắm, lại đi đường dài nên tôi rất lo lắng. Tôi bị ám ảnh khi nửa đêm thấy tài xế gọi vì lúc đó có chuyện xảy ra. Nhiều lúc rảnh, tôi lên xe cùng đi với tài xế để hiểu những khó khăn cũng như động viên anh em cố gắng”, anh Học tâm sự.

Những chuyến hàng đầu tiên thành công đã giúp lĩnh vực vận tải của công ty đi vào ổn định. Trong khi đó, ở lĩnh vực kinh doanh container cũng bắt đầu có những tín hiệu tốt khi khách đánh giá cao. Không thể thất hứa với khách, nhiều khi cả anh và công nhân phải làm quần quật cả ngày lẫn đêm cho kịp tiến độ giao hàng.

Sau hơn một năm hoạt động, công ty hoạt động ổn định. Hiện mỗi tháng đạt doanh thu khoảng một tỷ đồng, lợi nhuận 5-10%.

Nói về dự định tương lại, anh cho biết muốn vươn xa hơn trong lĩnh vực vận tải và cung cấp container. Hiện tại, tất cả sản phẩm container của công ty đều nhập từ nước ngoài về. Anh mong muốn, trong tương lai không xa có thể trở thành đối tác với các công ty sản xuất hàng đầu ở Đan Mạch để có thể đưa sản phầm này về lắp ráp, sản xuất tại Việt Nam.

Nguyễn Loan

Công ty TNHH cơ khí TMDV vận tải Sài Gòn nằm trong Top 25 đơn vị nổi bật của chương trình bình chọn Startup Việt 2017 do VnExpress tổ chức. Buổi chung kết diễn ra vào ngày 24/10 tại Hà Nội. Tại đây, 5 startup nổi bật sẽ được lựa chọn để thuyết trình trực tiếp trước Hội đồng chuyên môn, giành danh hiệu Startup Việt 2017.

Chương trình có sự đồng hành của Công ty CP Tập đoàn Asanzo và Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank).

Đây là năm thứ hai liên tiếp VnExpress tổ chức bình chọn Startup Việt, thu hút hơn 200 hồ sơ đăng ký tham dự. Các dự án tham gia đều góp phần giải quyết những vấn đề tồn tại trong thực tế, dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại.